Diễn đàn Giáo Phận Vinh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bài 3: Tính cách quy Kitô trong giáo lý

Go down

 Bài 3: Tính cách quy Kitô trong giáo lý  Empty Bài 3: Tính cách quy Kitô trong giáo lý

Bài gửi by luca nguyen Sun Oct 27, 2013 9:51 pm

TÍNH CÁCH QUY KI-TÔ TRONG GIÁO LÝ


I. KHÁI NIỆM QUY KI-TÔ:

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 4 năm 1977 nhấn mạnh đến tính cách Quy Ki-tô ( Christocentrisme ) trong việc dạy Giáo Lý.
Ở trọng tâm của khoa Giáo Lý, cốt yếu có một Ngôi Vị là Đức Giê-su Ki-tô, để rồi chúng ta chỉ có một câu trả lời duy nhất là chính Đức Giê-su Ki-tô cho cả 3 câu hỏi thiết yếu trong việc dạy Giáo Lý như sau:

II. AI DẠY GIÁO LÝ ?

Trước hết, chính Đức Ki-tô là Đấng giảng dạy, các Giáo Lý Viên chỉ là phát ngôn viên của Người, là những người trung thành và trung thực truyền đạt lại những gì đã được Đức Ki-tô trao phó. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 18 – 20 ).

Một Giáo Lý Viên chân chính có thể bộc bạch chân thành theo như Thánh Phao-lô rằng: Không phải là tôi dạy Giáo Lý, mà là chính Đức Ki-tô, Người dạy Giáo Lý cho mọi người nơi tôi, qua tôi, và trong tôi. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).

III. DẠY GIÁO LÝ VỀ AI ?
Dạy Giáo Lý chính là tỏ bày trong Đức Giê-su Ki-tô tất cả ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa, là thông truyền Giáo Lý của Đức Ki-tô, thông truyền chân lý của Người. Do việc, dạy Giáo Lý là dạy về chính Đức Ki-tô.

Muốn trình bày về Chúa Cha, không gì hơn là công bố những gì Đức Giê-su Ki-tô đã giới thiệu về Cha của Người cũng là Cha của chúng ta. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ) “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha... Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” ( Ga 14, 11 ).

Muốn đề cập đến Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng phải xác tín rằng chính Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” ( Ga 14, 16 – 17 ).

Muốn học về Đức Ma-ri-a, chúng ta cũng phải dõi mắt nhìn vào biến cố Nhập Thể của Đức Giê-su Ki-tô, để Mẹ được trở nên E-và mới, hạ sinh Đức Giê-su Ki-tô, trở nên Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của nhân loại. "Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." ( Mt 1, 20 – 21 ).

Muốn tìm hiểu về Giáo Hội, chúng ta không thể quên chính Đức Giê-su Ki-tô là Đầu của Hội Thánh, là vị Tân Lang chung thủy sắt son, còn Hội Thánh chính là Thân Mình của Người, là Hiền Thê yêu dấu của Người. “Chính Đức Ki-tô là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” ( Ep 5, 23 – 24 ).

Mọi hoạt động của đời sống Ki-tô hữu cũng đều hướng về Đức Giê-su Ki-tô là trung tâm, là đỉnh cao, là điểm hội tụ, là hệ quy chiếu, là tiêu chuẩn, là mẫu mực tuyệt đối, là trọn vẹn, là tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn mặc khải nhờ Người và trong Người. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15, 12 ). “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm và hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” ( Cl 3, 17 ).

IV. DẠY GIÁO LÝ THEO CÁCH THỨC CỦA AI ?

Mẫu mực đời sống và công việc phục vụ của người Giáo Lý Viên chính là Đức Ki-tô chứ không phải là ai khác !

Đức Giê-su Ki-tô đã để lại cho chúng ta không những một khoa Sư Phạm Giáo Lý độc đáo và sâu sắc, Người còn lưu lại một cung cách mô phạm của một bậc Tôn Sư vừa đầy quyền năng xuất phát từ Thiên Chúa ( x. Mc 1, 22 ), lại vừa chan chứa lòng trắc ẩn yêu thương đối với mọi người ( x. Mt 15, 32 ), nhất là với những kẻ tội lỗi ( x. Lc 5, 32 ), những người nghèo khổ tật bệnh ( x. Mt 15, 30; Mc, 3, 10; Lc 4, 40 ), và sẵn sàng tha thứ cho cả kẻ thù đã hãm hại Người ( x. Lc 23, 34 ).

Mặt khác, Đức Giê-su Ki-tô đặt nền tảng cho các hoạt động rao giảng bằng đời sống cầu nguyện. Trước khi khởi đầu sứ vụ công khai, Người đã vào hoang địa để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn cầu nguyện và tĩnh tâm suốt 40 ngày ( x. Lc 4, 1 – 2 ). Khởi sự một ngày hoạt động của Người luôn luôn là cầu nguyện ( x. Mc 1, 35 ). Người cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn Nhóm Mười Hai ( x. Lc 6, 12 ). Kết thúc một ngày tất bật, Người lại lánh mình đi cầu nguyện ( x. Lc 5, 16 ).

Bắt đầu bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su Ki-tô cầu nguyện với các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng ( x. Ga 17 ), nơi vườn Ghết-xê-ma-ni trước khi Người bị bắt ( x. Lc 22, 39 – 44 ) và trong giây phút Người sắp lìa đời trên Thập Giá ( x. Lc 23, 46 ).

Tắt một lời, sứ điệp Đức Giê-su Ki-tô rao giảng và chính bản thân Người là một, không có sự tách biệt, so le, hay mâu thuẫn. Người loan báo Tin Mừng Yêu Thương và cũng chính Người là Tình Yêu Thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” ( Ga 15, 13 ).

V. KẾT LUẬN:

Xin mượn lời của Tông Huấn Catechesi Tradendae:

“Người Giáo Lý Viên theo chân Đức Giê-su Ki-tô, phải luôn chuyên cần học hỏi Lời Chúa do Huấn Quyền của Giáo Hội thông truyền, phải luôn kết thân sâu xa với Đức Ki-tô và với Chúa Cha, phải có được tinh thần cầu nguyện, từ bỏ bản thân, hoàn toàn để Chúa Thánh Thần làm việc nơi mình trong mọi sự và mọi lúc” ( CT 5 và 6 ).
theo: http://www.trungtammucvudcct.com
_________________
Tôi làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi
Mời ghé thăm:
http://giaoxucaycam.net
http://giaoxutanloc.net/

luca nguyen

Tổng số bài gửi : 20
Join date : 27/10/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết