Diễn đàn Giáo Phận Vinh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bài 8: Nghệ thuật đặt câu hỏi giáo lý

Go down

 Bài 8: Nghệ thuật đặt câu hỏi giáo lý  Empty Bài 8: Nghệ thuật đặt câu hỏi giáo lý

Bài gửi by luca nguyen Sun Oct 27, 2013 9:58 pm

NGHỆ THUẬT ĐẶT CÂU HỎI GIÁO LÝ


I. DẪN NHẬP:

Giảng dạy Giáo Lý không phải là áp đặt một chiều những giáo điều cứng nhắc vào đầu người học, nhất là người học ở đây lại là trẻ em. Đây là cả một tiến trình mời gọi cùng suy tư, khám phá và cảm nhận Chân Lý của Thiên Chúa dưới dạng hội thoại nhiều chiều qua lại.

Do vậy, các câu hỏi luôn được đặt ra với mục đích khơi gợi, từ từ từng lớp một, sẽ “bóc vỏ” vấn đề cho đến khi đạt được cốt lõi. Đây là cả một nghệt thuật tinh tế mà các Giáo Lý Viên cần được chuẩn bị và đào tạo kỹ lưỡng.
II. PHÂN LOẠI CÁC DẠNG CÂU HỎI:

1. Khi soạn bài:

Giáo Lý Viên nên soạn sẵn trong giáo án các câu hỏi để giúp triển khai từng bước nội dung Giáo Lý. Câu hỏi không nên bao hàm vấn đề quá lớn, quá rộng, nhưng đi theo hướng quy nạp, dẫn dắt từ cái dễ hiểu, gần gũi, từ các vòng ngoài mà xoáy dần vào cốt lõi vấn đề.

Mỗi câu hỏi đều đã được dự đoán câu trả lời, hoặc tiên liệu các hướng trả lời theo tầm hiểu biết và suy nghĩ của các em. Ở giữa mạch các câu hỏi, nên có thêm một ít thông tin mới, những minh họa sống động để “gút” từng chặng vấn đề, rồi lại nêu một câu hỏi tiếp theo, mở sang một chặng khác.

Ví dụ: “Trong thực tế, theo các em, người ta cần gì để sống ? ( Cần thức ăn và nước uống ) Đúng rồi, theo các thí nghiệm khoa học, người bình thường có thể nhịn ăn tới 30 ngày, nhưng nhịn uống thì tối đa chỉ được 7 ngày... Vậy, nước quan trọng lắm. Thế, theo các em, ở Việt Nam chúng ta, nước có dễ kiếm không ?”... Cứ thế dẫn vào chất liệu nước được dùng trong Bí Tích Thánh Tẩy.

2. Khi kiểm tra miệng:

Giáo Lý Viên cần chuẩn bị các câu hỏi để kiểm tra miệng bài Giáo Lý đã học. Mục đích việc kiểm tra không phải để “truy bài” và cho điểm như ở trường Phổ Thông, nhưng là để giúp các em củng cố những gì đã học trong các buổi trước, từ đó dẫn nhập, móc nối sang nội dung Giáo Lý bài sắp học.

Câu hỏi loại này càng giúp các em hiểu bài thêm ( question de compréhension ), nó không cần được các em trả lời thuộc lòng làu làu y như nhau, nhưng lại vận dụng đến trí hiểu và cảm nhận riêng của mỗi em.
Ví dụ: Các em có nhớ Chúa Giê-su đã nói như thế nào về Ngôi Nhà của Người không ?...Thế còn Nhà Cha của Người ?...Thế nào là nhà cầu nguyện ?... Trong Kinh Thánh, em có nhớ Chúa Giê-su đã làm gì để chấn chỉnh Đền Thờ Giê-ru-sa-lem ?... Hiện nay, em nào có thể cho biết địa chỉ hộ khẩu thường trú hiện nay của Chúa Giê-su ?

3. Khi giảng bài:

Nếu đã hiểu giảng dạy là một cuộc đối thoại hai chiều hoặc hội thoại nhiều chiều giữa Giáo Lý Viên và các em, thì việc đặt các câu hỏi là cả một nghệ thuật.

Dựa vào các câu hỏi đã soạn sẵn trong giáo án, Giáo Lý Viên gợi ra cho các em những hướng suy nghĩ, tưởng tượng, hồi nhớ, lý luận và cảm nhận. Từ đó các em có thể trả lời từng chặng một, để dần dần khai phá nội dung Giáo Lý với sự giúp đỡ của Giáo Lý Viên. Các câu hỏi cần gần gũi với thực tế đời sống, với ngôn ngữ thông dụng, có thể mang một chút dí dỏm nhưng không nên tầm thường và thô tục.

Cũng đừng nên quá cứng ngắc dựa thật sát vào những gì đã soạn, mà nên uyển chuyển tận dụng ngay những tin tức trong xã hội, những tình huống vừa xảy ra để đặt câu hỏi. Ví dụ: “Ban nãy, chắc những em đến lớp sớm khoảng 15 phút, đã chứng kiến một tai nạn ngay trước cổng Nhà Thờ, vậy...” Hoặc “Hôm qua, chúng ta vừa tham dự Lễ Tro, vậy, em nào có thể cho biết...”

4. Khi tổ chức thi:

Giáo Lý Viên cũng cần biết cách soạn các câu hỏi cho các bài thi Giáo Lý. Cuối một loạt bài, hoặc cuối học kỳ, cuối năm học, hay nhất là cho các em một câu hỏi gợi ý viết một bài cảm nhận, trong đó có thể đúc kết được nhiều vấn đề hiểu biết đã được hệ thống hóa, có liên hệ đến Giáo Hội hiện tại, đến đời sống bản thân các em. Do vậy, bài làm dứt khoát không nên chấm điểm và xếp hạng, chỉ nên có những lời phê tích cực, khuyến khích.

Ví dụ: “Các em hãy kể lại một câu truyện về Lòng Mến mà em đã nghe kể ở lớp, hoặc chính em đã gặp trong đời sống. Em cho biết tại sao em lại thích truyện ấy ? Nó gợi đến bài học Giáo Lý nào em đã được học ? Cuối cùng em hãy ghi lại một câu Kinh Thánh có thể soi dẫn những ý tưởng và cảm nhận ấy.

5. Khi tổ chức Hội Thi Giáo Lý:

Đã là Hội Thi, tức là có sự nỗ lực thi đua giữa các Đội, cần được một Ban Tổ Chức nghiên cứu soạn thảo kỹ lưỡng để câu hỏi người hướng dẫn chương trình ( speaker ) đưa ra phải thật chính xác, không được dị nghĩa hàm hồ, không cố tình gài bẫy các em, không gây tranh cãi giữa các em với Ban Giám Khảo về nội dung và về số điểm phân định...

Cũng cần lưu ý rằng: các câu hỏi không nên nhắm đến những chi tiết vụn vặt, vô bổ, thậm chí là... lẩm cẩm ! Ví dụ: Đức Giê-su bị treo trên Thập Giá bao nhiêu giờ đồng hồ ? Mặt khác, lại có thể sử dụng những câu hỏi mẹo. Ví dụ: Có mấy Tin Mừng ? ( Chỉ có duy nhất Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô được ghi lại trong 4 sách Tin Mừng ).

Khi nêu câu hỏi, cần chú ý là giọng phải to, dõng dạc, rõ ràng, không cần tạo sự hấp dẫn bằng cách biểu diễn tốc độ nói nhanh ( như thường thấy ở các speakers chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia trên đài truyền hình ). Nếu cần, phải chuẩn bị các pa-nô, băng giấy, hình ảnh được gắn trên bảng để minh họa cho câu hỏi.

III. PHÂN LOẠI CÁC CÂU TRẢ LỜI:

Trong các tình huống đặt câu hỏi nêu trên, luôn luôn các Giáo Lý Viên phải trực diện với các câu trả lời của các em để có đáp án và thái độ thích hợp. Có 5 loại câu trả lời như sau:

1. Câu trả lời hoàn toàn đúng:

Giáo Lý Viên xác nhận ngay là hoàn toàn đúng, khích lệ các em ngay bằng một lời khen đúng mức. Sau đó tiếp tục đào sâu thêm vấn đề bằng một câu hỏi khác khó hơn một chút, đến gần với chủ đề hơn một chút, lấy nền tảng từ câu trả lời vừa có được.

Ví dụ: “Em vừa rồi đã trả lời rất đúng. Quan là nhìn xem; Phòng là gìn giữ, lo liệu. Vậy chúng ta nói Thiên Chúa Quan Phòng có nghĩa là thế nào ? Em nào có thể cho một ví dụ ?... Điều này cho chúng ta biết gì về tấm lòng của Thiên Chúa đối với loài người ?...”

2. Câu trả lời có phần đúng, có phần sai:

Giáo Lý Viên xác nhận ngay phần đúng, chỉ rõ cho các em phần sai. Nên dùng cách nói tích cực “Các em đã trả lời chưa đúng lắm ở chỗ này... Các em thử nghĩ coi, nếu như các em vừa nói, không thể nào lại...”

Cần mạnh dạn nhận khuyết điểm về phía mình trong câu đã hỏi, nếu vì thế mà các em đã trả lời có phần chưa chính xác. Sau đó đặt lại câu hỏi một lần nữa cho rõ nghĩa. Điều này giải tỏa ức chế tâm lý nơi các em, lại làm các em nhớ bài hơn.

3. Câu trả lời hoàn toàn sai:

Giáo Lý Viên nhạy bén nhận định ngay trong đầu những lý do khiến các em trả lời sai. Kiên nhẫn đặt câu hỏi khác, theo một hướng khác, có thể gợi một vài ý phụ để các em có cơ sở tìm ra câu trả lời đúng.

Tuyệt đối không nên dùng cách nói tiêu cực, chế nhạo, quát nạt: “Học đến lớp này mà em còn trả lời tệ hại như thế sao ?”

4. Câu trả lời lạc hướng:

Giáo Lý Viên bình tĩnh lắng nghe câu trả lời trọn vẹn của các em, sau đó vui vẻ chỉ ra cho các em thấy đã đi quá xa vấn đề, lạc hướng, đốt giai đoạn. Lập lại câu hỏi, gợi một vài ý để giúp các em xác định vấn đề cần suy nghĩ để trả lời cho chính xác.

Có thể dí dỏm khôi hài một chút để bầu khí lớp được thư giãn thoải mái, các em sẽ dễ dàng tái vận dụng óc suy nghĩ và lý luận.

5. Câu trả lời vượt ngoài dự đoán:

Luôn luôn có một vài em thông minh trổi vượt trong lớp nên có thể câu trả lời sẽ rất bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của Giáo Lý Viên, đẩy tới một khái niệm độc đáo, giúp cho tiến trình khai phá nội dung Giáo Lý đạt một bước thật xa và thật sâu. Những câu trả lời như thế thường lại đặt ra một câu hỏi ngược lại cho Giáo Lý Viên và cho cả lớp. Vì thế, Giáo Lý Viên cần bình tĩnh, vui hơn là lo.

Ví dụ: Ở một lớp Giáo Lý Khai Tâm miền nông thôn Nam bộ, sau khi Giáo Lý Viên kể truyện ở vườn Địa Đàng, đã đặt câu hỏi: “Sau khi ông A-đam và bà E-và phạm tội hái ăn trái cấm, khi Chúa gọi, họ đã làm gì ?” Một em bé 8 tuổi đã hồn nhiên trả lời: “Dạ thưa cô, họ sợ Chúa quá trời nên trốn mất tiêu, rồi chối tội tùm lum. Hổng chừng, nếu bữa đó, Chúa thủng thẳng biểu họ xin lỗi Chúa, thì họ cũng chịu xin lỗi rồi, có dè đâu mà bị phạt cho khổ sở dữ vậy cô ?”

IV. CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG:
Trong các trường hợp đặt câu hỏi, nhất là khi giảng bài, Giáo Lý Viên nên nhớ 5 nguyên tắc sau đây:

1. Tránh không đặt quá nhiều câu hỏi, nhưng nên hỏi dưới nhiều dạng khác nhau để có sự phong phú.

2. Tránh hỏi những câu chỉ cần trả lời có hoặc không, nhưng nên dùng câu hỏi trực tiếp gợi đến tâm tư các em.

3. Tránh hối thúc, làm gián đoạn câu trả lời, nhưng nên nghe cho trọn vẹn câu trả lời.

4. Tránh hỏi những câu chỉ cần trả lời vuốt đuôi, nhưng nên đặt câu hỏi chung cho cả lớp, rồi mời gọi một em nào đó giơ tay tự nguyện trả lời. Khi cần thiết lắm mới chỉ định đích danh.

5. Trong hội thoại, có thể sẽ có nhiều câu trả lời khác biệt nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Cần nắm bắt sự nhạy cảm hoặc dị ứng của một số em, để tìm được ý chung của cả nhóm trước vấn đề vừa nêu, rồi từ đó, cũng lại qua hội thoại mà dần dần phân tích cho các em khám phá ra chân lý.

Xin đơn cử một số câu hỏi có thể đặt cho các em khi trình bày nội dung “Chúa Giê-su hiến dâng mạng sống mình cho chúng ta”:

- Thường thì người ta có sợ chết không ?
- Nhưng cũng có những trường hợp người ta dám liều chết chứ, phải không các em ?
- Em nào biết một trường hợp có người đã dám liều chết không ? Có ai biết câu chuyện Lê Lai liều mình cứu vua Lê Lợi không ? Hay có em nào đã được đọc truyện “Anh phải sống” của nhà văn Khái Hưng chưa ?
- Vậy, khi nào thì người ta dám liều chết ?
- Chúa Giê-su đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến dâng mạng sống cho bạn hữu”. Vậy Chúa Giê-su đã làm gì trên Thập Giá ?
- Tại sao Chúa Giê-su lại chịu chết để hiến thân cho chúng ta ?
- Nếu chúng ta được Chúa Giê-su kể như là bạn hữu của Người, thì Người hiến thân để làm gì cho chúng ta ?

V. KẾT LUẬN:

Đặt câu hỏi là một phương cách để giảng dạy. Biết cách đặt câu hỏi là dễ đạt hiệu quả giảng dạy. Do vậy, đây là cả một nghệ thuật, không thể trong một vài buổi dạy, thậm chí trong một niên khóa Giáo Lý mà chúng ta đã có thể tích lũy được đầy đủ kinh nghiệm để luôn luôn thành công. Cần khiêm tốn nhận ra những điểm còn yếu trong việc giảng dạy của mình, cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng trước khi đứng lớp, có dịp thuận tiện là xin dự lớp của các Giáo Lý Viên già dặn lâu năm để học hỏi kinh nghiệm.
Theo: http://www.trungtammucvudcct.com
_________________
Tôi làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi
Mời ghé thăm:
http://giaoxucaycam.net
http://giaoxutanloc.net/

luca nguyen

Tổng số bài gửi : 20
Join date : 27/10/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết