Diễn đàn Giáo Phận Vinh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Một lối nhìn về mùa vọng

Go down

 Một lối nhìn về mùa vọng  Empty Một lối nhìn về mùa vọng

Bài gửi by Maria Hường Sun Oct 27, 2013 1:34 pm

MỘT LỐI NHÌN VỀ MÙA VỌNG


Dẫn nhập

Một Mùa Vọng nữa lại về. Đây đó trên đường đời, dù trong nhà thờ hay ngoài phố chợ hoặc trên các nẻo đường quê, nhiều sắc thái mang âm hưởng của Mùa Vọng, lại được dịp ngân lên thánh thót qua những bài thánh ca, qua tâm tình chuẩn bị và qua thái độ đợi trông. Thêm một lần nữa, chúng ta có dịp sống lại ý nghĩa của Mùa Vọng mà Giáo Hội dạy con cái mình qua các bài Thánh Kinh, các nghi thức và những bài giáo huấn. Tuy nhiên, trong thực tế, nói đến Mùa Vọng, người ta thường có xu hướng nghĩ ngay đến đại lễ Giáng Sinh. Không khí tưng bừng của việc chuẩn bị mọi công tác cho đại lễ Giáng Sinh làm cho Mùa Vọng trong tâm thức của con người hôm nay ngày càng thêm rộn rã.

Vậy, đâu là ý nghĩa đích thực cùa Mùa Vọng? Và chúng ta phải sống tâm tình của Mùa Vọng như thế nào trong bối cảnh hôm nay?

1. Ý nghĩa của Mùa Vọng

Thông thường, mỗi khi Mùa Vọng về, dường như đâu đâu người ta cũng lo các công tác chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh: tập hát thánh ca, làm hang đá với đèn sao lấp lánh khắp nơi, chuẩn bị chương trình canh thức, văn nghệ… Điều đó không có gì lạ, bởi hôm nay, không chỉ người Kitô hữu mừng lễ Giáng Sinh mà đại lễ này, từ lâu đã trở nên ‘toàn cầu hoá’. Từ châu Á đến châu Âu, từ châu Mỹ đến châu Phi và châu Úc, đâu đâu cũng thấy dấu ấn của niềm vui Giáng Sinh. Thậm chí, không chỉ người Kitô hữu mà ngay cả các tín đồ của các tín ngưỡng tôn giáo khác, đến cả những người vô tín vẫn coi Giáng Sinh là một dịp nghỉ lễ mà họ hằng hân hoan trông đợi. Vô tình, vì nhiều lý do khác nhau nên, ngay cả đối với người Kitô hữu, dấu ấn của đại lễ kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh dường như đã choán chiếm hết cả ý nghĩa của Mùa Vọng.

Tuy nhiên, Mùa Vọng không chỉ dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Giáng Sinh. Thật vậy, khi diễn tả về Mùa Vọng, Giáo Hội dạy: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan trông đợi” (AC 39). Như thế, đọc kỹ hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy: đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng ‘chỉ’ là việc kỷ niệm một sự kiện đã xảy ra. Ngôi Hai Thiên Chúa đã Giáng Sinh hơn hai ngàn năm rồi; vì thế, việc mừng lễ Giáng Sinh, dù là lễ trọng, cũng ‘chỉ’ là một hành vi thờ phượng mang âm hưởng của việc kính nhớ. Vì đã được hưởng ơn cứu độ nên việc sống đặc tính thứ hai của Mùa Vọng mới là yếu tố cần thiết cho con người hôm nay. Giáo Hội đã dạy rất rõ rằng: qua việc kính nhớ lần thứ nhất Con Thiên Chúa đến với loài người, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế.

Từ đây, chúng ta thấy một nghịch lý: ngày hôm nay, khi nhấn mạnh biến cố Giáng Sinh, dường như con người vẫn sống trong ‘tâm trạng’ của người Do Thái xưa, tức là chờ đón Chúa đến lần thứ nhất. Khác ở chỗ, người Do Thái xưa chờ mong Chúa đến, còn con người hôm nay dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Giáng Sinh đã xảy ra. Thật thế, để cho đại lễ Giáng Sinh lấn át hết cả ý nghĩa của Mùa Vọng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ chuyên chăm sống đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng! Và, như một điều tất yếu, đặc tính thứ hai của Mùa Vọng: hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế, bị lãng quên! Thật ra, lúc này không phải là thời điểm chúng ta khẩn xin hay trông chờ Đấng Emanuel nữa, vì Đấng ấy đã đến rồi. Do đó, bây giờ là lúc chúng ta cần phải thốt lên với tất cả niềm tin và hy vọng thể hiện trong cuộc sống của chính mình: “Marathana – Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), như lời các Kitô hữu tiên khởi đã khao khát và chờ mong Chúa đến giải thoát, mà thánh Gioan Tông Đồ đã trình thuật trong sách Khải Huyền.

Nhìn vào cấu trúc của Mùa Vọng, chúng ta thấy Giáo Hội dành khoảng thời gian từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng cho đến hết ngày 15.12 để hướng các tín hữu vào đặc tính thứ hai: hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Từ ngày 16 cho đến hết ngày 24.12 mới là khoảng thời gian dành riêng cho đặc tính thứ nhất: chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người. Cách thức Giáo Hội phân chia thời gian (thời gian dành cho đặc tính thứ hai dài hơn thời gian dành cho đặc tính thứ nhất) như thế, tự nó, cũng đã cho thấy: ngày hôm nay, đặc tính thứ hai quan trọng và cần thiết hơn đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng.

Đối với thời của thánh Gioan, đặc tính chờ mong Chúa đến cứu độ nhân thế là tối quan trọng. Nhưng, ngày hôm nay, kế hoạch cứu độ đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu, cho nên việc hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế mới là điều người Kitô hữu cần phải hướng tới. Giáo huấn của Giáo Hội đã chẳng khẳng định rõ: qua thái độ kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế, đó sao?

Tuy nhiên, thái độ mà con người thời nay cần phải có trong khi chờ đón Chúa đến không khác với tâm thức của người Do Thái thời thánh Gioan Tiền Hô. Xưa kia, để chuẩn bị chờ đón Chúa đến lần thứ nhất, Gioan được sai đi thực thi sứ mạng dọn đường: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Tất nhiên, ai cũng hiểu, các yếu tố như thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, đường lồi lõm… đã được nhân cách hoá. Nghĩa là, việc chuẩn bị phải được thực hiện và thể hiện nơi cung lòng, như lời bài hát “Để Chúa Đến” mà ngày hôm nay chúng ta vẫn ngân lên trong Mùa Vọng: “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến…”.

Quả thật, tâm thế của con người thời đại hôm nay cũng giống như tâm thế của con người vào thời Gioan xưa kia. Gần hai ngàn năm trước, khi thời gian chờ đợi Đấng Cứu Thế đến đã viên mãn và Nước Thiên Chúa sắp đến thời kỳ khai mở, Gioan kêu gọi dân chúng chuẩn bị sẵn sàng để lãnh nhận ân huệ Nước Trời nơi Ngôi Hai Giáng Thế lần thứ nhất. Ngày hôm nay, giáo huấn về sự chuẩn bị nơi Gioan vẫn vang vọng nơi mỗi người chúng ta, nhưng khác ở chỗ, lời mời gọi ấy nhắm tới khía cạnh cánh chung, hơn là chỉ để kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Giáng Sinh. Bởi vì, lễ Giáng Sinh, dù là một đại lễ, cũng chỉ là việc kỷ niệm một sự kiện đã xảy ra. Vì thế, ngày hôm nay, sự chờ đợi trong hy vọng phải hướng tới chiều kích cánh chung: chờ đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Việc mừng lễ trọng Giáng Sinh phải là chiếc cầu nối để dẫn đưa con người tới sự chuẩn bị với niềm tin và hy vọng trong khi đợi chờ ngày Chúa quang lâm.

2. Để sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai

Vậy, con người hôm nay cần phải cần phải làm gì để sẵn sàng nghênh đón Chúa đến lần thứ hai? Câu trả lời vẫn là sự chờ đợi trong hy vọng. Tuy nhiên, đó không phải là một sự chờ đợi suông hay một sự chờ đợi thụ động, mà phải là một sự chờ đợi chủ động và sẵn sàng. Nhưng, làm thế nào để chủ động chờ đợi? Chắc chắn, chúng ta vẫn phải nại đến giáo huấn của thánh Gioan Tiền Hô: sám hối.

Đọc kỹ các trình thuật về Gioan trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy, để chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ nhất, Gioan được sai đến. Sứ mạng chính yếu của Gioan là dọn đường để Thiên Chúa thực thi sứ vụ cứu độ. Việc dọn đường này của Gioan thể hiện ở chỗ, Gioan đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,1). Tin vào lời kêu gọi sám hối của Gioan nên “người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mt 3,5-6). Ở đây, chúng ta thấy: sám hối dẫn đưa con người đến hành động. Không có sám hối, dân chúng đã không xin Gioan làm phép rửa. Không sám hối, thì lời dạy của thánh Gioan: “mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5) trở nên vô nghĩa. Thậm chí, không sám hối, thì dù Nước Trời có đến cũng vô tác dụng, bởi vì chỉ có những ai sám hối và tin vào Tin Mừng thì mới thích hợp và phần nào xứng đáng với giá trị của Nước Thiên Chúa. Như thế, chính việc sám hối dẫn đưa con người đến hành động và có hành động theo sự chỉ dẫn của sám hối thì người ta mới có hy vọng vào ơn cứu độ và có hy vọng thì sự chờ đợi ngày Chúa quang lâm mới tròn đầy ý nghĩa. Do vậy, nếu sám hối là yếu tố nền tảng để đón mừng Chúa đến lần thứ nhất ban ơn cứu độ thì ngày hôm nay sám hối cũng vẫn là điều kiện cần thiết để chờ đón Chúa đến lần thứ hai. Bởi đó, sám hối để sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai cũng chính là ý nghĩa sâu xa của Mùa Vọng.

Là một sự biến đổi tận căn, sám hối đòi hỏi một sự đổi mới cuộc đời, một sự biến cải con người cũ và làm cho các giá trị Tin Mừng bén rễ vào trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Thật vậy, xưa kia, bên cạnh việc làm phép rửa cho dân chúng như một dấu chỉ biểu lộ lòng sám hối, thánh Gioan còn đưa ra lời khuyên về sự ‘cải biến’ cho từng đối tượng đến với ông. Đối với đám đông, thánh nhân dạy: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). Đây chính là bài học về sự tương thân tương ái trong tình huynh đệ. Đối với những người thu thuế, thánh nhân hướng dẫn họ về một lối hành xử theo kiểu công bằng xã hội: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3,13). Và đối với binh lính, Gioan khuyên họ sống chính trực và bằng lòng với thực tại của cuộc sống: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Lc 3,14). Như thế, đối với Gioan Tiền Hô, sám hối là trách nhiệm của từng cá nhân và lời mời gọi sám hối thực sự cũng hướng tới từng cá nhân chứ không phải là một định thức chung cho tất cả mọi người. Trong Tin Mừng thứ tư, thánh nhân mạnh mẽ quả quyết: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Ga 3,9).

Đối với người Kitô hữu hôm nay, không có sám hối thì sự chờ đợi Chúa đến lần thứ hai của chúng ta sẽ là sự chờ đợi trong vô vọng. Bởi, nếu không sám hối, tự thân chúng ta không thích hợp với Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta không biết ngày nào, giờ nào Con Người đến, như lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng Mátthêu: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Vì thế, cuộc sống hôm nay phải là một sự sám hối liên tục không ngừng nghỉ. Trong ngày Chúa đến, “tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12). Vì không biết ngày nào, giờ nào, Con Người đến nên, không chỉ trong Mùa Vọng hay bất cứ mùa nào trong năm phụng vụ, mà trong mọi giây phút của cuộc sống, sự sám hối của người Kitô hữu phải luôn có tính hiện tại và phải luôn “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,Cool như lời thánh Gioan xưa kia đã nhắc nhở những người thuộc phái Pharisêu và Xađốc đến xin ông làm phép rửa cho họ. Thậm chí, Gioan từng cảnh báo người Do Thái rằng: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham” (Mt 3,9) là có thể đảm bảo một vị trí trong Nước Thiên Chúa sắp khai mở. Ngày hôm nay, ý nghĩa của lời cảnh báo ấy của Gioan cũng dành cho con người trong thời đại chúng ta: đừng tưởng rằng mình có phép rửa là đã đủ để có thể sẵn sàng nghênh đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày Người quang lâm.

Vì thế, giáo huấn của thánh Gioan vừa là lời mời gọi vừa là lời nhắc nhở chúng ta hãy “Sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,Cool, bởi vì, “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Ga 3,9). Đó là một thực tế mà chúng ta phải ý thức trong khi chờ đợi Chúa đến lần thứ hai để quy tụ tất cả về một mối trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Kết luận

Sống Mùa Vọng là sống tâm tình chờ đợi trong niềm hy vọng Kitô giáo. Để sống trọn ý nghĩa của Mùa Vọng, giáo huấn của Giáo Hội dạy chúng ta không chỉ dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh, mà cuộc sống của người Kitô hữu phải luôn sẵn sàng vang lên lời khẩn xin: “Maranatha – Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến” (Kh 22,20). Nói đúng hơn, việc mừng đại lễ Giáng Sinh phải là chiếc cầu nối để đưa người Kitô hữu đến với tâm thức sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì vậy, để có thể hưởng kiến Thần Nhan trong ngày quang lâm vinh hiển bất chợt xãy đến, lời mời gọi của Gioan vẫn còn đó cho chúng ta suy gẫm: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,1), và nhắc nhớ bản thân hãy biết: “Sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,Cool.

Maria Hường

Tổng số bài gửi : 12
Join date : 27/10/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết