Diễn đàn Giáo Phận Vinh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan (7)

Go down

Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan (7) Empty Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan (7)

Bài gửi by Giáo Phận Vinh Mon Oct 28, 2013 9:02 am

VRNs (28.10.2013) - Kitô Giáo Chính Thống Nga trong bão táp Cách Mạng

Người Hà Nội thường có dịp đi qua đường Ðiện Biên Phủ, thấy tượng Lênin đứng sừng sững uy nghi giữa vườn hoa. Có lúc vỉa hè đã sáng tác ca dao thời đại:

Lênin ông ở nước Nga,

Sao ông đứng giữa vườn hoa nước này?

Thưa đúng là đã có một đoạn đường dài xuyên thế kỷ khiến ông dù đã nằm trong lăng vẫn đặt chân đến vườn hoa nước này. Cuộc Cách Mạng do ông lãnh đạo đã lan tràn khắp nước Nga mênh mông đến tận bờ Thái Bình Dương, đến Trung Quốc, đến Việt Nam. Cuộc Cách Mạng đó không chỉ tạo ra những biến đổi lớn lao về chính tri, kinh tế, xã hội, nó còn tạo ra một cơn chìm nổi lạ kỳ cho tôn giáo, văn hóa. Sau khi đã nhìn qua quá khứ của Chính Thống Giáo Nga, ta thử xem đức tin của người Nga đi qua cơn thử thách của bão táp Cách Mạng như thế nào.

Sang năm, 2014, thế giới sẽ kỷ niệm đúng 100 năm ngày Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Ðây không phải chỉ là một cơn tương tàn tương sát khủng khiếp vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại, mà còn là khúc mở đầu bi thảm cho ngày tận số của chế độ đế quốc phong kiến cũ của nước Nga.Gọi là ngày tận số, có nghĩa là cái ‘số’ của chế độ cũ cũng đã dài lắm, bây giờ cái xã hội cũ ấy giống như một cơ thể đã quá già nua không còn sức chống chọi với các bệnh tật của mình. Do đó con đường đã mở cho ông Lênin đi từ nước Nga sang vườn hoa nước này. Nhìn lại lịch sử thấy rằng cái thế giới mới do Lênin khai sáng ở nước Nga tuy sống không dai bằng chế độ phong kiến lạc hậu cũ, nhưng sức mạnh đảo lộn của nó thì rất ghê gớm. Hơn nữa, cái thế giới mới đó, từ tư tưởng đến hành động, đều có sẵn một ý chí phủ nhận và bài trừ đức tin tôn giáo. Chính vì thế nó đặt ra những thách thức bắt buộc tín hữu phải đưa đức tin của mình vào cõi biến loạn mù mịt và từ đó mà có những trải nghiệm độc đáo.

Thế Chiến Thứ Nhất nằm trong bối cảnh tinh thần và tư tưởng một đàng là chủ nghĩa dân tộc của các nước lớn nhỏ Châu Âu được hun đúc cao độ, đàng khác các nước lớn với sức mạnh khoa học, kinh tế, quân sự của mình đã đi vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và do đó có nhiều điểm va chạm nhau về quyền lợi. Ở giữa Châu Âu đế quốc Ðức đã hình thành sau khi Ðức đánh bại nước Pháp trong cuộc chiến tranh 1870. Phía Nam nước Ðức là đế quốc Áo-Hungari rộng lớn, (người Áo cũng nói tiếng Ðức) thâu tóm cả vùng Ðông Nam Âu mà bây giờ là các nước Sec, Slovakia, Slovenia, Croatia, Bosnia Herzegovina, lại bao trùm một phần của các nước bây giờ là Ý, Ba Lan, Rumani, Serbia, Montenegro. Từ ngày các vùng dân Ðức ở phía Bắc thống nhất thành đế chế Ðức thì nước Ðức đã phát triển rất mạnh về quân sự, kinh tế, chính trị, khoa học, nổi lên thành nước mạnh nhất Châu Âu. Khối Ðức-Áo làm cho nước Pháp láng diềng đã bị chấn thương đau đớn và uất ức sau khi bại trận phải lo ngại bồn chồn. Ðến một lúc cả nước Anh cũng lo sợ trước sự lớn mạnh của Ðức. Hơn nữa cả Pháp, Anh và Ðức đều đã trở nên đế quốc thực dân, có nhiều thuộc địa, nhiều quyền lợi ở Châu Phi. Khả năng xảy ra mâu thuẩn, xung đột khá lớn. Thế là Pháp và Anh gạt bỏ các mối hiềm khích cũ để liên minh với nhau ngăn chận sức mạnh của Ðức trong cuộc cạnh tranh không khoan nhượng về thế lực và quyền lợi.

Bên sườn phía Ðông của hai đế chế Ðức và Áo lại một đế chế khác cũng có lý do để e ngại sức mạnh của khối Ðức Áo: đó là đế chế Nga. Kể từ khi thành lập năm 1721, đế chế này đã bành trướng mênh mông, đến đầu thế kỷ XX, diện tích của nó là 21.800.000 Km vuông, với dân số là 128.200.000, 9/10 dân số, tức 93,4 triệu sống trên phần đất Châu Âu. Tính ra lãnh thổ của đế chế Nga ngang ngửa với diện tích của đế chế thực dân Anh. Về phía Ðông, đế chế Nga đã thống trị cả vùng đất như bất tận là Siberia suốt cho đến bờ Thái Bình Dương. Về phía Trung Á, giáp giới với Trung Quốc, đế chế Nga bao trùm những nước bây giờ là Uzbekistan, Kirghizistan, Tadjikistan, Turkmenistan, và Kazakhstan. Nhưng nguyên nhân sẽ đưa đế chế Nga vào cuộc trong Thế Chiến Thứ Nhất là những lãnh thổ ở Châu Âu. Ở phía Bắc đế chế Nga đã bao trùm những nước bây giờ là Phần Lan, Ukraina, Belarus, một phần Ba Lan: thế là đã đến gần nước Ðức; về phía Nam Châu Âu, Nga đã chiếm được Moldavia và vùng Kafkaz tiếp giáp với Châu Á ở những nước bây giờ là Cộng Hòa Ossetia Bắc, Inguchi, Tchetchen. Ở đây, Nga lại tiếp giáp với đế chế Áo.

Tương quan quốc tế và thế cạnh tranh về địa lý, chính trị, kinh tế, đặc biệt là sự va chạm giữa Ðức và Áo và đế chế Nga khiến cho dần dần hình thành một Liên Minh tay Ba giữa Ðức, Áo, và Ý. Ðối lại một Thỏa Thuận tay Ba cũng hình thành giữa Pháp, Anh và Nga. Hai khối đều nhắm giải quyết ổn thỏa những vấn đề có thể tranh chấp trong nội bộ, đồng thời đương đầu với khối đối lập. Mặc dù cũng có nhiều hội nghị quốc tế, nhưng các giới quan sát vẫn lo ngại vì tình hình tiềm ẩn nhiều bất trắc có thể bùng nổ.

Một người thường có linh cảm về cuộc chiến tranh lớn sẽ xảy ra là Ðức Giáo Hoàng Thánh Piô X, nhiều lần Ngài tỏ ý bi quan về tình hình quốc tế. Năm 1914 Ngài nói rằng khó có được bình an cho trọn năm. Ðức Giáo Hoàng Piô X khi đó đã được Giáo Hội coi như một bậc thánh sống vì lòng nhân ái tuyệt vời của Ngài và tinh thần siêu nhiên rất cao. Ngưòi ta đồn Ngài đã từng làm phép lạ và nói tiên tri nhiều điều.

Một ngày mùa xuân 1914, Ðức Thánh Cha dừng chân trước hang đá Lộ Ðức trong Hoa Viên Vatican. Ngài nói với cha giải tội, Ðức Cha Bressan: “Tôi buồn lắm cho đấng sắp kế vị tôi. Tôi thì không sống để chứng kiến đâu. Những lời sấm về Dân Ðạo điêu tàn sắp ứng rồi. (Dân Ðạo điêu tàn, Religio depopulata, là một “sấm ngôn” được truyền tụng là của Thánh Malachy xưa, ứng vào vị Giáo Hoàng kế vị Thánh Piô X).

Tháng 5/1914, Thánh Piô X liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo: “Thảm cảnh đang đến, mà tôi bất lực không giúp được cho người ta thoát thân, tôi không ngăn ngừa nổi… Tôi là người đứng đầu phục vụ cho hòa bình, mà nếu tôi không che chở nổi cho bao nhiêu sinh mạng trẻ, thì còn ai làm nổi, ai sẽ làm nổi?” Ngày 25/5, trong cuộc họp các hồng y, Ngài tuyên bố: “Hơn bao giờ hết, thế giới đang thèm khát tự do. Vậy mà chúng ta thấy quốc gia này nổi lên chống quốc gia nọ, dân tộc này nổi lên chống dân tộc kia, và chúng ta biết hận thù sẽ phát triển thành chiến tranh khủng khiếp như thế nào.”

Chính trong cuộc họp này, Thánh Piô X bất ngờ trao tặng hồng y cho vị Tổng Giám Mục Bologna, Ðức Cha della Chiesa, một người hình như đã bị Ðức Thánh Cha “quên mất” từ lâu, không còn hy vọng mặc áo đỏ. Không đầy ba tháng sau, Ðức Hồng Y della Chiesa trở thành Giáo Hoàng Bênêđictô XV. Thế chiến đã bắt đầu. Ðức Bênêđictô XV sẽ là người đưa ra một kế hoạch hòa bình bị mọi người bác bỏ, kể cả con cái trong Hội Thánh cũng tỏ vẻ bất hợp tác. Ngài là vị giáo hoàng của thời Dân Ðạo điêu tàn, Religio depopulata. Ngày 30/5 Tiến Sĩ Chaves, Ðại Sứ Brasil bên cạnh Tòa Thánh mãn nhiệm, đến chào bái biệt Ðức Piô X. Ðức Thánh Cha nói: “Ông Ðại Sứ sắp được về Brasil có mừng không? Ông khỏi phải chứng kiến cảnh chiến tranh” _ “thưa, có phải Ðức Thánh Cha muốn nói tới những rối loạn ở vùng Balkans?” _ “Không. Không. Rối loạn ở Balkans chỉ là lúc bắt đầu cho một cơn khói lửa toàn thế giới. Tôi không ngăn đươc”. (Những câu chuyện trên đây ở trong tư liệu của Peter Chojnowski, giáo sư ở Ðại Học Gonzaga của Dòng Tên ở Spokane, bang Washington, Hoa Kỳ.)

Câu chuyện sau đây xem ra được kể lại với ít nhiều tô vẽ của dư luận, nhưng khởi đi từ một linh cảm có thật của Ðức Piô X: một ngày cuối tháng 6/1914, (vẫn theo tư liệu của Chojnowski) Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Merry del Val vào phòng làm việc của Ðức Thánh Cha, thấy Ngài như người mất hồn. Vị hồng y giật mình: “Tâu Ðức Thánh Cha, Người làm sao thế này ?”. Ðức Thánh Cha thều thào, sắc mặt kinh hãi: “Chiến tranh, Ðức Hồng Y ạ, đại chiến !” – “Thưa không đâu ạ, tình hình quốc tế bình an, không có vấn đề gì nghiêm trọng đâu ạ.” Ðúng lúc ấy có nhân viên Tòa Thánh hớt hải đưa đến một tin khẩn. Ðức Thánh Cha và Quốc Vụ Khanh cùng đọc bản tin: thái tử nước Áo, Ðại Quận Công Ferdinand và Hoàng Phi đã bị ám sát ở Sarajevo! Ðức Thánh Cha đọc xong rồi lảo đảo ôm đầu chạy vào nhà nguyện, quỳ phục như không còn có mặt trên thế gian nữa!

Sự thật là ngày 28/6/1914, thái tử nước Áo, Ðại Quận Công Franz Ferdinand và Hoàng Phi Sophia đã bị ám sát ở Sarajevo. Thủ phạm là một nhóm thanh niên người Serbia, sau đó đã bị bắt ngay. Nguyên nhân là do xứ Serbia Herzegovina đã bị đế chế Áo dành được quyền cai trị. Tinh thần dân tộc của người dân Serbia ở đấy lên một độ rất cao, đặc biệt trong giới thanh niên. Người ta muốn thoát ách thống trị của Áo để thống nhất với đồng bào Serbia bên nước Cộng Hòa Serbia láng diềng. Vụ ám sát thái tử nước Áo có sự tiếp tay của một số quân nhân nước cộng hòa Serbia.

Dĩ nhiên Áo không thể thụ động bỏ qua sự việc này.

7/7/1914: Áo đưa tối hậu thư 10 điểm cho cộng hòa Serbia. Ngày sau đó, 8/7, thủ tướng Hungari trong đế chế Áo, Hầu Tước Tisza, đã cảnh báo: “Áo tấn công Serbia có phần chắc chắn sẽ khiến cho Nga can thiệp và sẽ đưa đến một cuộc thế chiến.” Sở dĩ như vậy vì dân Serbia là người Slav. Và dân Nga hầu hết cũng là người Slav. Nga và Serbia đồng tộc, đồng văn, đồng tôn giáo (Chính Thống Giáo), quan hệ tình cảm khắng khít trong một thời đại dân tộc chủ nghĩa cao độ.

(Nhân tiện xin chú thích: sau thế chiến sẽ hình thành quốc gia Nam Tư chủ yếu là do Serbia và các vùng lân cận hợp thành. Nam Tư là danh xưng thu ngắn của Nam Tư Lạp Phu. Nam: phương Nam; Tư Lạp Phu là phiên âm Hán Việt của từ Slav. Nam Tư là quốc gia của dân Slav phương Nam: Yougoslavia, trong khi Nga là dân Slav phương Bắc. Về tôn giáo: sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô năm 1989, nhiều đan sĩ Chính Thống Giáo đã từ Serbia Nam Tư trẩy sang Nga để hồi sinh Kitô Giáo ở Nga. Mối liên hệ vẫn bền chặt tới ngày nay).

Áo là một nước lớn, Serbia là nước nhỏ. Ngày 25/7/1914 Serbia chấp nhận 9 trong 10 điểm của tối hậu thư, nhưng từ chối một điểm: Serbia không thể để các nhân viên an ninh Áo vào đất nước mình để điều tra, vì trái với Hiến Pháp và quy trình điều tra hình sự của đất nước. Nga ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Serbia.

28/7/1914: Áo-Hungari tuyên chiến với Serbia, nói đây là cuộc chiến tranh để “phòng ngừa hậu hoạn”. Người ta nói rằng vị hoàng đế già 80 tuổi của Áo-Hung Franz Joseph vừa ký quyết định tuyên chiến vừa ngẫm nghĩ: “Chiến tranh để phòng ngừa thì chẳng khác nào tự sát chỉ vì sợ chết!” Nói vậy nhưng ông bị các giới chính trị và quân nhân lôi kéo phải vào cuộc chiến.

29/7/1914: Nga đặt quân đội trong tình trạng báo động.

30/ 7/1914: Nga tổng động viên. Ngay đêm đó, Áo-Hung cũng tổng động viên.

Thế là guồng máy của hai khối Thỏa Thuận tay Ba và Liên Minh tay Ba mà các cường quốc Châu Âu đã dày công xây dựng bắt đầu chuyển động, lôi cuốn mọi người vào cuộc, gần như không ai cưỡng lại nổi.

31/7/1914: Ðức tuyên bố “tình trạng có nguy cơ chiến tranh”. Hoàng Ðế Ðức Wilhelm II yêu cầu Sa Hoàng Nicolai II ngưng lệnh tổng động viên và không được ủng hộ Serbia. Ðức cũng đòi nước Pháp không được ủng hộ Nga trong vụ Serbia. Dĩ nhiên cả Nga lẫn Pháp đều từ chối.

1/8/1914: Ðức tổng động viên và tuyên chiến với Nga.

2/8/1914: Pháp tổng động viên. Ðức xua quân xâm lăng Luxembourg, một nước nhỏ xíu làm trái độn giữa Pháp và Ðức. Ðức cũng đưa tối hậu thư cho nước Bỉ trung lập đòi Bỉ phải để Ðức dùng lãnh thổ Bỉ để tấn công Pháp. Bỉ từ chối.

3/8/1914: Ðức tuyên chiến với Pháp và Bỉ.

4/8/1914: Anh tuyên bố bảo đảm nền trung lập của Bỉ và tuyên chiến với Ðức.

6/8/1914: Áo-Hungari tuyên chiến với Nga.

11/8/1914: Pháp tuyên chiến với Áo-Hunggari.

Ðại chiến Âu Châu đã bùng phát, nhưng không phải chỉ có Châu Âu. Các nước lớn này đều liên hệ với nhiều nước khác, vì có thuộc địa ở Châu Phi, Châu Á . Pháp đã vào vòng chiến thì các xứ thuộc địa và bảo hộ ở Ðông Dương: Việt, Miên ,Lào sẽ có người phải đi lính phục vụ “mẫu quốc” và trở thành tử sĩ cùng với những người ở Bắc Phi và Phi Châu da đen. Cũng vậy, nước Anh đã khai chiến thì cũng kéo theo các nước, các xứ do người Anh mở mang, khai khẩn và vẫn nhận Anh Hoàng làm vua của mình: Ái Nhĩ Lan, Nam Phi, Úc, Canada, New Zealand, Newfoundland và các xứ thuộc địa.

Dần dần, theo đà phát triển của chiến cuộc, những xung đột về an ninh biên giới, những quyền lợi kinh tế, những tham vọng lãnh thổ sẽ kéo thêm nhiều nước khác vào vòng xung đột.

Ngay từ đầu, nước Nhật ở xa xôi là thế cũng vào cuộc với Anh Pháp vì có tham vọng lãnh thổ và biển đảo đối với Ðức. Thổ Nhĩ Kỳ trái lại đứng vào phe Ðức Áo để phòng ngừa Nga tràn xuống phía Nam nhằm xâm chiếm các vùng cảng nước ấm. Qua năm 1915, nước Ý phản thùng Ðức Áo để vào phe với Anh Pháp mong chiếm được một số vùng nói tiếng Ý còn nằm dưới quyền thống trị của Áo, Ý kéo theo mình một nước cộng hòa nhỏ xíu nói tiếng Ý và nằm lọt thỏm trong lãnh thổ Ý là San Marino. Lần lượt Bulgari tuyên chiến với Serbia, rồi Rumani tuyên chiến với Áo Ðức. Khi Ðức tiến quân xâm lấn Tây Âu thì sẽ đưa đến chiến tranh với Bồ Ðào Nha.

Năm 1917 đến lượt Hoa Kỳ tham chiến, sau khi Ðức có chính sách quyết liệt tấn công bằng tàu ngầm vào tất cả các tàu dân sự đi đến nước Anh, kể cả tàu của các nước Trung Lập. Sự tham chiến của Hoa Kỳ làm cho một loạt các nước Châu Mỹ Latinh cũng có quyền lợi về hàng hải tuyên chiến với Ðức, tuy chỉ là tuyên chiến trên danh nghĩa, trong thực tế kể như không tham gia vào chiến sự. Ðó là các nước như Cuba, Panama, Brasil.

Sau nữa ở Châu Á đến luợt Trung Hoa Dân Quốc tham chiến, không phải bằng quân đội, nhưng bằng hơn 100 ngàn công nhân gửi sang giúp Pháp. Mục đích là để ngăn ngừa Nhật thành cường quốc Châu Á duy nhất có phần chiến quả sau khi chiến thắng. Cuối cùng hai nước nhỏ là Liberia ở Châu Phi bị phong tỏa kinh tế chịu không nổi cũng vùng lên đánh Ðức, và Xiêm (Thái Lan) ở Ðông Nam Á cũng tuyên chiến với Ðức. Tóm lại đúng là một cuộc chiến tranh trên toàn thế giới.

Ðiều lạ là có vẻ như lúc đầu không ai tiên liệu là chiến tranh sẽ lan rộng đến thế. Hình như liên minh Ðức Áo tính ngầm rằng cần đánh nước Nga, vì Nga là một nước quá lớn, quá đông.Về phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật lúc ấy Nga còn lạc hậu so với các nước Âu Châu khác, Ðức và Áo không muốn phải đương đầu với Nga khi Nga đã hiện đại hóa xong. Ở Pháp thanh niên đi tòng quân như đi dự ngày hội, người ta cho rằng chiến tranh chỉ vài tháng là xong, và đến Noel sẽ chiến thắng trở về. Ai ngờ cuộc chiến lại kéo dài, thê thảm, đẫm máu và phức tạp đến như thế. Nó như một cổ máy khổng lồ bao trùm lên mọi người, và những người lãnh đạo và chỉ huy của các nước lớn càng vào cuộc càng đòi hỏi quyết liệt phải đổ máu thêm. Trong cơn say máu hình như người ta không dừng lại được.

Trước sau rồi cũng chỉ có Tòa Thánh là thảm thiết kêu gọi hòa bình. Ngày 2/8/1914, không đầy 20 ngày trước khi Ngài qua đời, Thánh Piô X còn yêu cầu cả Giáo Hội cầu nguyện cho hòa bình. Chúa đã nhắn nhủ các đồ đệ, vào nhà nào thì hãy chúc bình an cho nhà nấy. Nếu trong nhà có con cái của sự bình an, thì bình an sẽ đậu lại đó, nếu không thì bình an sẽ trở về với ai là con của bình an. Có những giai đoạn trong lịch sử, trong các nền văn hóa mà hình như những con cái thật của bình an, những tâm hồn hòa bình chân chính trở nên hiếm hoi, kể cả trong các nước có đạo. Những lời hoa mỹ về công bình bác ái thì không thiếu, quá nhiều là khác .Nhưng hòa bình từ trong đáy tâm hồn, khó tìm lắm ….. Thế Chiến Thứ Nhất là một thời điểm như vậy chăng?

Bốn năm chiến tranh, 1914-1918, để lại hơn 9 triệu người chết, hơn 20 triệu thương tật.

Tháng 10,1917, thị nhân trẻ ở Fatima nghe Ðức Mẹ nói nhiều quốc gia sẽ biến khỏi mặt đất. Chỉ một tháng sau, đế chế của Sa Hoàng sụp đổ ở Nga. Qua năm sau, 1918, sụp đổ thêm ba đế chế lớn nữa: Ðức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ. Những nền cộng hòa thành lập thay cho đế chế Ðức Áo không được lâu bền. Cộng Hòa Weimar của Ðức tồn tại được 15 năm. Chế độ cộng hòa Áo được 20 năm, trước khi rơi vào thảm kịch Quốc Xã của Hitler và Thế Chiến Thứ Hai. Chế độ mới ở Nga, chế độ Cộng Sản, bền hơn, được hơn 70 năm. Với chế độ này, cuộc thử lửa cho Dân Chúa đã bắt đầu….

(còn nữa)

LM. Vũ Khởi Phụng

Giáo Phận Vinh

Tổng số bài gửi : 148
Join date : 27/10/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết