Diễn đàn Giáo Phận Vinh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ nghèo hèn

Go down

Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ nghèo hèn Empty Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ nghèo hèn

Bài gửi by Giáo Phận Vinh Tue Oct 29, 2013 1:26 am

VRNs (28.10.2013) – Sài Gòn – Thánh lễ Chúa Nhật 30 Thường niên năm C hôm nay, sau khi nghe 3 bài đọc Lời Chúa, anh chị em có thấy hình ảnh của ai hiện lên trong tâm tư, suy nghĩ của mình không? Tôi bị đánh động bởi hình ảnh của những con người “nghèo”. Ý tưởng xuyên suốt giữa các bài đọc hôm nay, kể cả Đáp ca đó là: lời cầu nguyện khiêm nhường của người nghèo, người tội lỗi được Thiên Chúa đón nhận.

“Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ nghèo hèn”. Đây là chủ đề chính của đoạn sách Huấn ca của bài đọc 1 và cũng là của toàn bộ Thánh Kinh: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn bênh vực những người nghèo hèn yếu đuối; trong Tân Ước, Chúa Giêsu tỏ ra yêu thương đặc biệt những người bị xã hội loại trừ.

Bài Đáp ca kêu gọi những người nghèo khổ hãy cậy trông vào Chúa vì Người sẽ nhậm lời họ cầu xin.

Trong xã hội, tiếng nói của người nghèo chẳng được ai lắng nghe. Do đó, người nghèo được xem là người “không có tiếng nói”. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa thì lại hoàn toàn khác: tiếng nói của người nghèo lại luôn được Thiên Chúa lắng nghe và hơn thế nữa, còn được Thiên Chúa đáp trả. Qua đoạn của Sách Huấn Ca hôm nay, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn ở bên và luôn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Tất cả những con ngườì này đều bị thua thiệt về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Phẩm giá của họ thường bị tổn thương, tiếng nói của họ chẳng được ai quan tâm, cứu xét, bênh vực.

Nói đến người nghèo, chúng ta nghĩ tới điều gì? Tôi thì nghĩ rằng trước hết, nghèo ở đây không chỉ ám chỉ vật chất, mà có nhiều dạng người nghèo khác nhau. Ngay ở VN, những tù nhân lương tâm chẳng hạn, hay những người dân oan đầy dẫy từ Nam chí Bắc, ở vườn hoa MXT hay ở 210 VTS ngay đây, những người dám lên tiếng dấn thân cho xã hội, cho đất nước ngày càng dân chủ và xóa bỏ thể chế độc tài toàn trị đã bị đàn áp mọi mặt… Họ là những người bị nhà cầm quyền cướp đi tài sản là đất của họ; họ là những người bị cướp đi quyền con người mà Thượng Đế, mà TC đã ban cho họ. Đó là quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp,…

Qua bài TM hôm nay, chúng ta thấy những người tội lỗi cũng là người “nghèo”, những người theo cộng sản là những người mù quáng, họ nghèo hơn ai hết: nghèo kiến thức, nghèo lòng nhân ái, ngheo lương tâm, nghèo sự thật. Họ là những con người vô cùng đáng thương. Nhưng nếu bao lâu họ chưa từ bỏ chủ nghĩa cộng sản thì họ lại là những người kiêu ngạo và độc ác hơn ai hết.

Thứ đến, khi nghĩ đến người nghèo, tôi nghĩ đến sứ mạng của tất cả chúng ta có mặt trên trần gian này, dù là CG hay không CG, là làm cho mọi người được hạnh phúc, nhất là làm ngắn lại khoảng cách “giàu- nghèo”, tức là quan tâm đến công bằng xã hội.

Vậy KT nói gì về lãnh vực này? Công bằng xã hội là một trong những đề tài nền tảng của Kinh Thánh. Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ và con người, và mong ước sâu xa nhất của Thiên Chúa là tất cả mọi người được sống và được hạnh phúc. KT thường xuyên nhắc đến những người bị áp bức và họ hướng lên Chúa để cầu nguyện. Các ngôn sứ như Isaia và Amos đều lên tiếng bênh vực người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Một xã hội công bằng

Trong Thánh Kinh, tình trạng áp bức dân Israel bên Ai Cập là hình ảnh rõ nét nhất về bất công xã hội. Thiên Chúa hết sức quan tâm đến tình trạng đó (Xh 2,23-25; 3,7), và Người đưa dân Israel đến với Người (Xh 19,4), đến núi Sinai. Ở đó, Người thiết lập nền tảng cho Israel xét như một dân tộc tự do, sống theo một trật tự công bằng xã hội, đó là ban cho họ Mười Điều Răn, như một loại hiến pháp cho Israel. Nói cách khác, Thiên Chúa là nền tảng của một xã hội công bằng thực sự. Đó là đòi hỏi tiên quyết cho một xã hội tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, nền tảng của những gì được trình bày trong Mười Điều Răn (Xh 20,2-17). Chẳng hạn việc thiết định ngày Sabát là cách thế để giảm bớt những khác biệt xã hội, tạo điều kiện cho người làm công hay giới làm chủ cũng được nghỉ ngơi (Xh 20,8-11).

GHXH của GH, số 324: Những ai nhìn nhận mình nghèo nàn trước mặt Chúa, bất kể hoàn cảnh của mình thế nào trong cuộc sống, đều sẽ được Người quan tâm đặc biệt: khi người nghèo tìm kiếm, Chúa luôn đáp lại; khi người nghèo kêu khóc, Chúa luôn lắng nghe. Mọi lời Chúa hứa đều nhắm tới người nghèo: họ sẽ được thừa kế Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Người.

Ở VN chúng ta, nhà cầm quyền cộng sản ngoài việc cướp đi quyền tham gia vào giáo dục của các tôn giáo, điều mà trước năm 1975 tại SG này có một số trường Dòng nổi tiếng như Petrus Ký, Nguyễn Bá Tòng, Lasan Tabert,… đã làm rất tốt, họ còn áp đặt để xóa bỏ quyền nghỉ ngơi ngày Sabat, tức là Chúa Nhật. Nhiều nơi công nhân phải đi làm vào CN, nghỉ là mất việc. Nhiều trường học, kể cả các trường cao đẳng, sinh viên học sinh phải đi học và thi vào CN… Chủ nghĩa cộng sản chủ trương coi con người chỉ là hàng hóa, làm gì có cái gọi là phẩm giá hay lương tâm trong tự điển của những người theo cộng sản? Nếu có lương tâm thì họ đã không nói dối, làm láo, thuê côn đồ làm an ninh, công an để sách nhiễu người dân lương thiện là đồng bào, thậm chí có khi còn là người thân của họ, vì một thứ vâng lời cấp trên mù quáng, thiếu suy nghĩ và thiếu nhân tính.…

Theo quan điểm của Thánh Kinh, khi người ta sử dụng quyền bính một cách độc tài thì luôn luôn tạo ra bất công xã hội. Muốn xã hội có công bằng thì người dân phải loại bỏ những nhóm lợi ích. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử, từ chủ nghĩa quốc xã đến chủ nghĩa cộng sản. Khi con người gạt Thiên Chúa ra bên lề để tự biến mình thành Thiên Chúa, nắm mọi quyền sinh sát trong tay mà không cần điểm quy chiếu nào khác, thì sự bất công sẽ lan tràn.

Chúa Giêsu khai triển ý tưởng này rất cụ thể như sau: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 42-44).

Hôm 24/10 vừa qua, ĐTC Phanxico đã tấn phong 2 GM đầu tiên từ khi ngài làm Giáo hoàng. Trong bài giảng ngài nói với các tiến chức: “Hãy nhớ rằng anh em đã được lựa chọn để phục vụ, chứ không phải để thống trị…”. Ngài còn giải thích rằng, đừng coi chức tước là một vị trí danh dự, đó là vị trí để phục vụ như điều răn của Thầy Chí Thánh ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người’. [Anh em] hãy luôn luôn phục vụ người khác.”

Về thái độ của Giáo Hội đối với người nghèo, GHXH của GH các số 182 – 184 nhấn mạnh rằng phải lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo.

182. Nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát buộc chúng ta phải coi người nghèo, người bị gạt ra bên lề và người bị ngăn cản không phát triển được do các điều kiện sống của họ, là những tiêu điểm cần quan tâm đặc biệt. Muốn vậy, cần phải tái xác nhận cách mạnh mẽ sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo…

183. Sự khốn khổ của con người chính là một dấu chỉ rõ ràng rằng thân phận tự nhiên của con người thật yếu đuối và cần được cứu độ. Về mặt này, Đức Kitô Cứu Thế đã tỏ ra rất thông cảm, khi Người tự đồng hoá mình với người “nhỏ nhất” trong loài người (x. Mt 25,40.45). “Chính qua những gì người ta làm cho người nghèo mà Đức Kitô sẽ nhận ra họ là người được Người chọn lựa. Khi ‘người nghèo được nghe những tin tốt lành’ (Mt 11,5), đó chính là dấu cho thấy Đức Kitô đang hiện diện”.

… người nghèo vẫn được ký thác cho chúng ta và chúng ta sẽ bị xét xử trong ngày tận thế dựa trên chính trách nhiệm này (x. Mt 25,31-46): “Chúa đã cảnh cáo chúng ta là chúng ta sẽ bị chia cách với Người nếu chúng ta không đáp ứng các nhu cầu nghiêm trọng của người nghèo và những người bé nhỏ, vì họ là anh em của Người”.

184. Lòng yêu thương mà Giáo Hội dành cho người nghèo được cảm hứng từ Tin Mừng Tám Mối Phúc, từ đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và từ sự quan tâm của Người đối với người nghèo. Lòng yêu thương này không những có liên quan tới sự khó nghèo vật chất, mà còn liên quan tới nhiều hình thức khác nhau của sự nghèo nàn về văn hoá và tôn giáo… Được lời mời gọi của Tin Mừng thôi thúc – “Các ngươi đã nhận không thì cũng phải cho không” (Mt 10,Cool – Giáo Hội yêu cầu chúng ta phải giúp đỡ đồng loại của mình trong mọi nhu cầu khác nhau… Trong giáo huấn của mình, Giáo Hội thường xuyên nhắc tới mối tương quan giữa lòng bác ái và sự công bằng: “Khi chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả một món nợ công bằng”.

Công bằng pháp lý

Việc duy trì và bảo đảm cho công bằng xã hội tùy thuộc phần lớn vào sự ngay thẳng và sức mạnh của hệ thống pháp luật. Cho đến nay, ngay tại VN, tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên đói nghèo và bất công xã hội, vì tham nhũng vi phạm khuôn khổ pháp lý và luân lý của xã hội. Kinh Thánh dạy rất rõ: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử” (Lv 19,15). Các ngôn sứ không ngừng lên án tình trạng xét xử bất công: “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để ngăn cản người yếu không được hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân” (Is 10,1). Lời tố cáo này rất phù hợp nếu áp dụng cho csvn hôm nay. Vì thế, để bảo đảm cho công bằng xã hội, phải bắt đầu từ chính việc thiết lập lề luật công bằng đồng đều cho mọi người, chứ không thể như hiện nay, pháp luật trở thành khí cụ của kẻ thống trị, với mục đích bảo vệ những quyền lợi riêng của phe nhóm, hoặc đảng phái của mình. Đồng thời phải giám sát việc thi hành pháp luật cách ngay thẳng, không bị bất cứ áp lực nào chi phối.

Nhà cầm quyền csvn vừa ban hành bản Hiến pháp mà họ gọi là mới, nhưng thực sự chỉ là “bổn cũ soạn lại”, không có gì tiến bộ. Bản HP này sẽ sớm có hiệu lực và sẽ tiếp tục đẩy người dân VN chúng ta vào con đường tăm tối. Thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến của các trí thức, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội đồng liên tôn, GHPGVN thống nhất, PGHH thuần túy… đã lên tiếng yêu cầu sửa bản Hiến pháp 1992 cho hợp với văn hóa Việt Nam, vì sự phát triển lâu dài của quê hương, dân tộc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã hoàn toàn không lắng nghe mà lại cho ra đời một bản Hiến Pháp để tiếp tục duy trì độc tài đảng trị, và không công nhận quyền sở hữu đất của người dân.

Phản kháng lại HP này, bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ Saigon vừa nêu ra 9 điểm yêu cầu nhà cầm quyền csvn phải thức thời:

1. Tôn trọng quyền tự do thông tin của người dân. Bãi bỏ nghị định 72 nhằm kiểm duyệt các trang blog cá nhân, bãi bỏ các điều 258, 79, 88 của bộ luật hình sự, dẹp tường lửa ngăn chặn các đài quốc tế tiếng Việt như BBC, RFI, RFA, VOA.

2. Tôn trọng quyền tự do phát biểu của con người.

3. Thả hết tù nhân lương tâm yêu nước.

4. Tôn trọng tự do tôn giáo theo những tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.

5. Quốc hội phải biết lợi dụng thời cơ nương theo Sức Mạnh Quần Chúng giành lại vị thế là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, bằng cách huỷ bỏ điều 4 hiến pháp.

6. Quốc hội minh định phải Dân Chủ Hoá Việt Nam mới giải quyết được những bế tắc hiện nay của xã hội.

7. Quốc hội thi hành mệnh lệnh của dân tộc là tách đảng cộng sản ra khỏi chính quyền ở mọi cấp mọi ngành từ trung ương đến địa phương.

8. Quốc hội làm nhiệm vụ trung chuyển là soạn thảo và thông qua luật ứng cử và bầu cử tự do, đa nguyên, đa đảng.

9. Bộ máy chính quyền, sau khi loại bỏ đảng cộng sản, sẽ là công cụ hành chính phục vụ bầu Quốc Hội Lập Hiến để thảo Hiến Pháp Mới Dân Chủ cho Việt Nam.

Thiên Chúa là mẫu mực công bằng

Trong KT, nhất là Thánh vịnh có nhiều câu làm nổi bật hình ảnh của TC là mẫu mực cho những ai lãnh trách nhiệm xét xử trong đời sống xã hội, để công bằng thực sự được thiết lập trên trái đất. “Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự tòa xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi của con” (Tv 9,5); “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất” (Tv 33,5); “Chính nghĩa của bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh; công lý của bạn, Ngài sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37,6).

Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ không chỉ nhắm đến việc chu toàn theo luật dạy, mà phải quan tâm đến việc giúp đỡ cho kẻ khó nghèo. Ý hướng này được thể hiện rõ nét trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) cũng như những tiêu chuẩn Chúa đề ra trong Ngày Phán Xét chung: “Quả thật, Thầy bảo anh em, điều gì anh em làm cho một trong những người nhỏ bé nhất, là anh em làm cho Thầy” (Mt 25,40).

Thứ ba tới đây, tòa án tỉnh Long An sẽ xét xử 1 vụ chưa từng có trên thế giới đối với blogger Đinh Nhật Uy, là anh trai của Đinh Nguyên Kha đang ở trong tù, về việc anh Uy sử dụng mạng xã hội Facebook. Theo bản cáo trạng do công an cố gắng nhào nặn ra thì những lý do khởi tố Đinh Nhật Uy hoàn toàn xuất phát từ mạng xã hội Facebook này. Trong trang 3, Bản cáo trạng liệt kê anh Uy những tội vu vơ, thiếu cơ sở: Một là có 3 bài viết xâm hại Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh của tổ chức này. Nhưng Bản cáo trạng lại không hề cho biết anh Uy đã xâm hại cái gì của hai tập đoàn này? Hai tập đoàn này bị ảnh hưởng xấu về thương hiệu ra sao, hiệu quả kinh doanh giảm như thế nào. Những con số định lượng quan trọng này hoàn toàn không có.

Thứ 2, nói rằng facebook của anh Uy làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng công an là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở. Vì công an có uy tín đâu mà bị ảnh hưởng! Thực tế chứng minh điều đó, tôi không cần phân tích nhiều. Thử hỏi các công an viên xem họ có dám ngẩng cao đầu với ngành nghề của họ không?

Ngày 24/10 vừa qua, Mạng lưới blogger VN đã ra 1 bản tuyên bố về Cáo trạng và phiên tòa xét xử Đinh Nhật Uy. Bản tuyên bố có 3 nhận định và 5 đề nghị.

- Nhận định 1: bản cáo trạng đã vi phạm Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”, khi ghép cho Uy tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân“.

- Nhận định 2: bản cáo trạng suy diễn tùy tiện, không dựa vào bất kỳ một nền tảng pháp lý, quy định cụ thể nào, với phạm vi áp dụng bao trùm lên bất kỳ sinh hoạt nào của công dân.

- Nhận định 3: tòa án không được độc lập xét xử mà luôn bị chi phối bởi án bỏ túi đã chỉ đạo.

* 5 đề nghị: nếu tòa án LA vẫn kết án Đinh Nhật Uy có tội thì VKS phải truy tố 5 đối tượng được đề nghị là: các ông chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, các phóng viên, nhà báo và tất cả các bloggers có những việc làm giống và còn hơn cả Uy.


Công bằng kinh tế

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa bênh đỡ người nghèo cách tỏ tường: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp” (Xh 22,20). Không được tước đoạt kế sinh nhai của người ta: “Không được giữ cối xay bột làm đồ cầm, vì như thế là giữ chính mạng người làm đồ cầm” (Đnl 24,6). Không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng (24,14). Và thật lạ lùng: “Khi anh em gặt lúa trong ruộng mình mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ” (Đnl 24, 19). Còn lề luật nào nhân bản hơn, khi quan tâm đến người nghèo ngay trong những quy định của luật pháp.

Thưa ACE, để thiết lập công bằng xã hội, chúng ta cần nhận diện rõ bộ mặt của kẻ gây ra những bất công này. Như vậy mới giải quyết được cái gốc của vấn nạn.

Trong GHXH của GH, các số từ 513 đến 515 đề cập đến bộ mặt của 1 tổ chức khủng bố. Tôi xin nêu ra đây để chúng ta so sánh với cách hành xử của nhà cầm quyền cộng sản hiện nay.

513. Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất… nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa. Từ một chiến thuật phá hoại điển hình của một vài tổ chức cực đoan, nhằm phá hoại tài sản vật chất hay giết người, khủng bố nay đã trở thành một mạng lưới mờ ám của việc cấu kết chính trị. Người ta có thể sử dụng cả công nghệ tinh vi, nắm trong tay nguồn tài chính khổng lồ và chẳng ngần ngại tham gia vào việc lên kế hoạch ở cấp độ vĩ mô, đánh thẳng vào những người hoàn toàn vô tội, biến họ thành những nạn nhân tình cờ của các hành động khủng bố. Mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố thường là những nơi sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải là những mục tiêu quân sự trong khuôn khổ của một cuộc chiến công khai. Chủ nghĩa khủng bố hoạt động và tấn công trong bóng tối mà không đếm xỉa gì tới các quy luật, mà theo đó con người phải luôn tìm cách giới hạn sự xung đột, chẳng hạn luật nhân đạo quốc tế;… Muốn đấu tranh chống lại chính sách khủng bố thì phải có nghĩa vụ luân lý là tạo điều kiện giúp ngăn chặn nó phát sinh hay phát triển.

514. Phải lên án chính sách khủng bố một cách tuyệt đối. Chính sách khủng bố là sự khinh rẻ hoàn toàn mạng sống con người, và vì thế, không bao giờ có thể biện minh được: vì con người luôn luôn là cứu cánh chứ không bao giờ là phương tiện. Các hành vi khủng bố đánh thẳng vào phẩm giá con người và xúc phạm tới toàn thể nhân loại: “bởi đó, mọi người có quyền chống lại chính sách khủng bố”…

515…Không có tôn giáo nào dung túng sự khủng bố, và càng không hô hào khủng bố. Đúng hơn, các tôn giáo phải hợp tác với nhau để loại bỏ những nguyên nhân đưa tới khủng bố và đẩy mạnh tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Nếu chúng ta xem lại tất cả những gì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang làm cho dân, từ việc bắt và đánh dã man người biểu tình chống Trung Quốc, đến việc đàn áp dân oan khắp nơi; từ việc độc quyền báo chí đến sẵn sàng bỏ tù tất cả những ai nói khác ý đảng, cho thấy họ không khác những gì Giáo huấn xã hội của Công giáo nói về khủng bố mà chúng ta vừa đọc cho nhau nghe.

LM. Giuse Đinh Hữu Thoại, C.Ss.R

Giáo Phận Vinh

Tổng số bài gửi : 148
Join date : 27/10/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết